Thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Vĩnh Long luôn xác định công tác phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài; phải tiến hành thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm nhằm ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần đó, công tác phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả nhất định; nhận thức về PCTN của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân dần được nâng lên. UBND tỉnh đã từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản chỉ đạo liên quan đến công tác PCTN, gắn công tác PCTN với việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, với cuộc vận động "học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Từ những kết quả đạt được, căn cứ Bộ chỉ số đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, UBND tỉnh đã thẩm định và tự chấm điểm chỉ số công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 đạt 85,04 điểm/100 điểm.
Số điểm tự đánh giá không đạt là 14,96 điểm, do những hạn chế yếu kém sau:
- Các nội dung về minh bạch tài sản, thu nhập thực hiện chưa đồng bộ; Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng trong nội bộ ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương còn rất hạn chế, trong kỳ đánh giá chỉ phát hiện 02 vụ có liên quan đến tham nhũng; Công tác xét xử tội phạm tham nhũng còn chậm, chỉ đạt 50% so với số đã phát hiện (6/12 người).
- Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN chưa tạo được chuyển biến căn bản về nhận thức của người dân trong PCTN; tính tiên phong, gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa cao;
- Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, có thực hiện nhưng còn mang tính hình thức; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả thấp.
- Hiệu quả hoạt động của các cơ quan được giao trách nhiệm PCTN chưa đáp ứng yêu cầu (lực lượng còn mỏng, tính chuyên nghiệp chưa cao); việc phát hiện tham nhũng qua công tác thanh tra, kiểm tra còn hạn chế.
- Chưa phát huy được sức mạnh của nhân dân trong cuộc đấu tranh PCTN; cán bộ, công chức, viên chức, người dân tố cáo hành vi tham nhũng chưa nhiều.
Từ những hạn chế yếu kém trên, trong thời gian tới các Ngành, cấp cần tổ chức thực hiện tốt các giải pháp sau:
Một là các ngành, cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các quy định xây dựng nền công vụ minh bạch, liêm chính, nhất là phải công khai, minh bạch. Sửa đổi bổ sung đầy đủ các quy định về tặng quà và nhận quà, về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng.
Hai là thực hiện nghiêm việc chuyển đổi vị trí công tác nhằm phòng ngừa tham nhũng. Từng cán bộ đảng viên phải nêu cao tính gương mẫu trách nhiệm trong việc kê khai minh bạch tài sản, công khai hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng.
Ba là các cơ quan tư pháp đẩy nhanh tiến độ điều tra truy tố xét xử các vụ án tham nhũng đã phát hiện. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của cơ quan dân cử, MTTQ Việt Nam, các cơ quan báo chí và nhân dân trong việc đấu tranh ngăn chặn PCTN.
Bốn là tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy chuyên trách thực hiện chức năng PCTN; Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng các kỹ năng nghiệp vụ và có chế độ chính sách đặc thù đối với cán bộ chuyên trách làm công tác PCTN.
Lê Thành Trung
Thanh tra tỉnh Vĩnh Long