tổng quan

THANH TRA TỈNH VĨNH LONG

Trụ sở: Tầng 11-12, số 88 Võ Văn Kiệt, Khóm 3, Phường 9, thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long
Điện thoại: 02703 823247
Email: thanhtra@vinhlong.gov.vn
Website: http://ttra.vinhlong.gov.vn

I. VỊ TRÍ VÀ CHỨC NĂNG

Điều 17,18 Luật thanh tra ngày 24/6/2004 và Điều 6,7 của Nghị định số 41/2005/NĐ/CP ngày 25/03/2005 của Chính phủ quy định Thanh tra tỉnh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn, thanh tra hành chính trong phạm vi quản lý nhà nước của Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh ... Thanh tra tỉnh chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về công tác, tổ chức và nghiệp vụ của Thanh tra Chính phủ.

II. THANH TRA TỈNH CÓ NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN

Thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ của Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố, của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh (gọi chung là Sở).

Thanh tra vụ việc có liên quan đến trách nhiệm của nhiều Ủy ban Nhân dân huyện, thành phố, nhiều sở.

Thanh tra vụ việc khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao.

Thực hiện nhiệm vụ giải quyết khiếu nại, tố cáo theo qui định  của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Thực hiện nhiệm vụ phòng ngừa và chống tham nhũng theo qui định của pháp luật về chống tham nhũng.

Hướng dẫn công tác, nghiệp vụ thanh tra hành chính, phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan, hướng dẫn chế độ chính sách, tổ chức biên chế đối với thanh tra huyện thành phố, thanh tra của cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (gọi chung là Thanh tra Sở).

Tổng hợp, báo cáo kết quả về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của UBND tỉnh.

III. HỆ THỐNG TỔ CHỨC CỦA NGÀNH THANH TRA TRONG TỈNH

Cơ quan thanh tra theo cấp hành chính:

Thanh tra tỉnh.

Thanh tra Huyện - Thành phố - Thị xã.

Cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực: Thanh tra Sở, Ngành cấp tỉnh.

IV. CƠ CẤU TỔ CHỨC THANH TRA TỈNH

1. Ban lãnh đạo thanh tra tỉnh:

Chánh Thanh tra. 

Các Phó Chánh Thanh tra.

2. Các phòng trực thuộc:

a. Văn phòng:

Có chức năng nhiệm vụ: Giúp lãnh đạo Thanh tra tỉnh quản lý nhà nước về công tác thanh tra thuộc thẩm quyền của Thanh tra tỉnh. Thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn về:

Nghiên cứu Giúp lãnh đạo Thanh tra Tỉnh thực hiện quản lý Nhà nước về công tác thanh tra và thực hiện quyền thanh tra việc thực hiện chính sách pháp luật trên các lĩnh vực về kinh tế ở các cơ quan đơn vị, doanh nghiệp thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh. Tổng hợp - tổ chức - hành chính quản trị - tiếp dân, cải cách hành chính, thi đua khen thưởng.

Tham mưu lãnh đạo cơ quan kiểm tra, đôn đốc các phòng chuyên môn trực thuộc thực hiện chức năng nhiệm vụ được giao.

b. Phòng thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo 1:

Giúp lãnh đạo thanh tra tỉnh thực hiện quyền thanh tra hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo trên các lĩnh vực về kinh tế xã hội, nội chính văn xã ở các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Ủy ban Nhân dân tỉnh quản lý.

c. Phòng thanh tra giải quyết khiếu nại tố cáo 2:

Giúp lãnh đạo Thanh tra tỉnh tham mưu UBND Tỉnh quản lý nhà nước về công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại tố cáo và thực hiện quyền thanh tra, giải quyết khiếu nại - tố cáo của công dân đối với các vụ việc được Ủy ban Nhân dân tỉnh giao.

Theo dõi đôn đốc việc tổ chức thực hiện các Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực thi hành ở các Huyện, Thành phố, Thị xã - Sở Ngành do UBND tỉnh ban hành.

d. Phòng thanh tra phòng chống tham nhũng:

Tham mưu lãnh đạo Thanh tra tỉnh theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm Thủ trưởng các Sở Ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các Huyện, Thành phố trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng theo chương trình công tác được phê duyệt hoặc theo chỉ đạo đột xuất của cấp trên.

Tham mưu lãnh đạo Thanh tra tỉnh tổng hợp tình hình thực hiện Luật phòng chống tham nhũng ở cơ quan và trong tỉnh để báo cáo kết quả theo định kỳ hàng tháng, quí, 6 tháng, năm về trên đúng quy định. Đồng thời tổ chức sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác phòng, chống tham nhũng theo phạm vi trách nhiệm được giao.

Quản lý hồ sơ kê khai tài sản, thu nhập; tiến hành xác minh kê khai tài sản, thu nhập theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Kiểm tra, giám sát nội bộ nhằm ngăn chặn hành vi tham nhũng trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chánh Thanh tra tỉnh giao.

e. Phòng kiểm tra, giám sát và xử lý sau thanh tra:

Giúp lãnh đạo Thanh tra tỉnh cập nhật, rà soát, hệ thống các văn bản pháp quy nhằm phục vụ trong công tác chuyên môn của Ngành.

Tham mưu lãnh đạo kiểm tra về thể thức, cơ sở pháp lý các văn bản của cơ quan trước khi phát hành.

Kiểm tra việc thực hiện các kết luận kiến nghị sau thanh tra.

Tham mưu lãnh đạo cơ quan tổ chức thực hiện Quy chế kiểm tra giám sát hoạt động thanh tra kinh tế xã hội, giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng.

Tuyên truyền phổ biến các văn bản pháp luật về công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí và các Nghị định hướng dẫn của Chính phủ có liên quan về công tác chuyên môn trong cán bộ công chức và nhân dân. Cập nhật và phổ biến các văn bản pháp luật mới được ban hành trong nội bộ công chức cơ quan nghiên cứu thực hiện.

Tổ chức nghiên cứu đóng góp dự thảo các dự án luật, các văn bản pháp quy của Trung ương và địa phương.

Nghiên cứu khoa học về đổi mới tổ chức, nghiệp vụ chuyên môn, phương pháp hoạt động ... để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác của Ngành thanh tra trong tỉnh.

Thực hiện các nhiệm vụ khác do Chánh Thanh tra tỉnh giao.

Quyết Định 32/2010/QĐ-UBND

Quyết định 15/2010/QĐ-UBND